19/12/2022

Giới thiệu sách "Mãi mãi tuổi 20"

     Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi thân thương, là một biểu tượng đẹp đáng tự hào của người dân Việt Nam. Ngày 22/12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sỹ đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hòa chung với không khí "Chào mừng 78 năm ngày quân đội nhân dân Việt Nam" ( 22/12/1944 – 22/12/2022), Thư viện tỉnh Thái Bình xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Cuốn nhật ký thời chiến" của liệt sĩ Nguyễn văn Thạc đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả ở mọi lứa tuổi.

     “Mãi mãi tuổi hai mươi” là tên biên tập cuốn nhật ký chép tay “Chuyện đời” của Nguyễn Văn Thạc. Cuốn nhật kí được bắt đầu viết từ ngày 2/10/1971 và dừng lại với những dòng cuối cùng viết ở Ngã ba Đồng Lộc ngày 3/6/1972 khi Nguyễn Văn Thạc quyết định gửi cuốn nhật kí về cho anh trai mình để tiếp tục hành quân chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Cuốn sách được nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu với độ dày 318 trang, khổ 13x19cm, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào tháng 8-2005.

     Lật từng trang sách bạn đọc sẽ gặp một chàng  trai Hà Nội, khi anh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học là khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang thời kì căng thẳng, ác liệt nhất. Anh học giỏi cả “xã hội” và “tự nhiên” như thời ấy thường nói, nghĩa là cả Văn và Toán. Ở Trung học, anh đoạt giải nhất thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Ở Đại học, anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác cho sự nghiệp của mình chứ không phải con đường binh nghiệp, song anh và cả thế hệ của anh năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên khoác lên mình màu xanh áo lính.

     Đó là ngày 6/9/1971 anh lên đường nhập ngũ, sau 28 ngày nhập ngũ, anh đã ghi những dòng nhật ký đầu tiên. Từ đầu nhật ký theo bước chân anh lính binh nhì dày lên trong chặng đường hành quân của mình, cho đến cuối tháng 5/1972. Nghĩa là sau gần 7 tháng trời, vừa huấn luyện vừa hành quân vào mặt trận, mặc dù phải đi xa, đeo nặng, nhưng tranh thủ lúc nghỉ, ngày nghỉ. Anh đã viết được 240 trang sổ tay, anh trải lòng mình chân thật qua những cảm nhận, lắng nghe và rung động trước những vùng đất anh qua, những con người anh gặp, những điều mắt thấy, tai nghe và cả những điều anh cảm nhận được. Đó là chuyện về gia đình những người dân nơi anh đóng quân, chuyện về những anh lính cùng đơn vị, về những cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đoàn...Có nhiều chuyện vui, nhưng có cả những chuyện buồn.

     Mở tiếp trang nhật ký, chúng ta như thấy được trước mắt mình là chiến trường khốc liệt với những kỷ niệm vui buồn của người lính. Có thể coi những trang nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” là một cuộc trải nghiệm thực tiễn vô cùng gian khổ, nhiều hy sinh, nhưng lại đầy mê say và hấp dẫn của một thanh niên tri thức Hà Nội, trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

     Để để biết thêm một con người, một cuộc đời và hiểu được đời sống tâm tư tình cảm của thế hệ thanh niên, chiến sĩ thời ấy, Thư viện tỉnh Thái Bình mời bạn đọc đọc cuốn Nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc tại các Thư viện, tủ sách trong cả nước.

Thư viện tỉnh Thái Bình