Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt,… Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận…. Thương binh tàn nhưng không phế”.
Để bày tỏ lòng biết đối với những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc hôm nay. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022) Thư viện tỉnh Thái Bình xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc cuốn sách “Thương binh tàn nhưng không phế” do nhà xuất bản Thông tấn đã biên soạn và xuất bản năm 2007 với khổ sách 13 x 19 cm, dày 267 trang.
Cuốn sách gồm 44 bài viết của 44 tác giả viết về 44 thương binh tiêu biểu trong cả nước thể hiện tinh thần vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, làm giàu cho quê hương đất nưóc. Có người thương binh bị mù một mắt, cụt cả 2 tay nhưng vẫn miệt mài qua bao năm tháng mở đất trồng cây, đi tìm nghề mới, thắp sáng cho cả một vùng quê nghèo khó. Có người thương binh dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, đem kiến thức văn hóa đến cho các em thơ. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà văn, nhà báo, nhà khoa học xuất sắc, hoặc những cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ Trung ương đến cơ sở. Một số đã được tuyên dương Anh hùng lao động trong thời kỳ đất nước đổi mới.
Lật từng trang sách chúng ta sẽ gặp tấm gương anh thương binh Mai Thanh Lãng ở xã Đông La – huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình,mặc dù thương binh hạng 3/4 nhưng anh không đầu hàng số phận, sau khi trở về cùng gia đình anh đã vượt qua hoàn cảnh làm kinh tế giỏi với mô hình dịch vụ môi trường. Đến Đông La hiện nay không còn bắt gặp những đống rác nằm ngổn ngang khắp đường làng ngõ xóm như trước kia.
Như tấm gương của bà Nguyễn Ngọc Điểu người nữ thương binh bên dòng Tiền Giang, bà đã dùng chính căn nhà của mình để mở “nhà trẻ tình thương”, để đón các cháu có hoàn cảnh khó khăn đến chăm sóc. Những người nghèo ở tỉnh Vĩnh Long coi bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu như một bà tiên.
Và còn nhiều nữa những tấm gương của những người thương binh giàu nghị lực, vượt qua mọi hoàn cảnh để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội đã được tập hợp lại trong cuốn sách “Thương binh tàn nhưng không phế”. Cuốn sách mang ý nghĩa nhân văn cao cả và thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và động lực thúc đẩy thể hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng noi gương cha anh đóng góp công sức trí tuệ xây dựng đất nước.
Sách hiện đang được lưu giữ và phục vụ tại Thư Viện tỉnh Thái Bình.
Xin Trân Trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.!
Thư viện tỉnh Thái Bình