05/09/2021

Những cuốn sách truyền hứng khởi cho Năm học mới!

Giáo dục là thước đo sự văn minh của nhân loại, là điều kiện quyết định tương lai một dân tộc cũng như sự phát triển lành mạnh của mỗi cá nhân. Bởi vậy từ ngàn đời nay không có nhà cầm quyền nào mà không chú trọng việc nâng cao dân trí, khuyến khích hiền tài.

Năm 1788 ngay sau khi xưng đế vua Quang Trung đã ban Chiếu lập học tỏ rõ lòng yêu mến nhân sĩ và hoài bão chấn hưng giáo dục: “Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp... ai nấy phải mài rũa chí khí, phấn chấn tinh thần để đón phúc lành, cùng bước lên con đường thênh thang, giúp cho nền thịnh trị trong sáng”. Cũng bởi nắm rõ tầm quan trọng của giáo dục mà bè lũ sen đầm rất ưa dùng chính sách ngu dân, mị dân nhằm dễ bề cai trị các nước thuộc địa. Sau ngày Quốc khánh năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải rốt ráo phát động phong trào bình dân học vụ nhằm giải quyết tình trạng mù chữ chiếm 95% dân số Việt Nam. Từ đó tạo nên một xã hội học tập vô cùng sôi nổi: bảng chữ treo khắp nơi trên khóm tre, bụi chuối,… nhà chùa, nhà thờ hoặc nhà ai rộng rãi đều cho mượn làm lớp học, việc hỏi chữ được thiết lập ở bến đò, cổng làng, cổng chợ,…, anh bộ đội học trong lúc hành quân, chị nông dân tranh thủ vừa tát nước vừa học,...

Tuy ngày nay môi trường, điều kiện dành cho học tập đã hơn hẳn 76 năm về trước nhưng yêu cầu về chất lượng giáo dục cùng những biến chuyển của thời đại vẫn đặt ra biết bao thách thức cam go mà thầy và trò phải đối mặt. Đặc biệt trong những ngày bệnh dịch hoành hành, nhiều phụ huynh bị thất nghiệp, nhà nước tập trung cho phòng chống dịch, những gia đình khó khăn không thể đầu tư cho việc học trực tuyến và giáo trình của thầy cô cần thay đổi. Mùa khai giảng năm nay thật lạ lùng, không còn hình ảnh học sinh nô nức cờ hoa tới trường hay một vài bé em lớp 1 khóc nhè vì bỡ ngỡ… cả nước tổ chức lễ khai giảng trực tuyến hoặc bằng những hình thức đơn giản nhất tránh tập trung đông người; dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động chưa từng có trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nhân dịp năm học mới 2021-2022 Thư viện tỉnh Thái Bình xin được giới thiệu tới bạn đọc một số cuốn sách vô cùng đặc sắc về giáo dục, mỗi cuốn sách khép lại sẽ khiến những người thầy thêm nhiệt huyết với nghề, khiến các bạn học sinh hiểu sâu sắc ý nghĩa việc học tập và tiếp thêm động lực để các vị phụ huynh quan tâm hơn tới công tác giáo dưỡng con em mình.

1. Chiến binh cầu vồng

Thông tin xb: NXB Hội nhà văn, 2012

Mô tả: 424tr; 14,5x20,5 cm

Tác giả: Andrea Hirata; Dạ Thảo dịch

Giá bìa: 82.000đ

Nội dung:

Với lối kể chuyện hồn nhiên trong trẻo tràn ngập những ngôn từ ly kỳ huyền hoặc đậm chất Nghìn lẻ một đêm, cuốn tiểu thuyết "Chiến binh cầu vồng" của tác giả Indonesia – Andrea Hirata nhanh chóng lôi cuốn độc giả vào một thế giới thiên nhiên kỳ thú pha lẫn sắc màu tâm linh diệu vợi của cộng đồng người đa sắc tộc trên hòn đảo Belitong giàu có bậc nhất Xứ Vạn đảo. Nơi mà người dân chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi cái nghịch lý: những lớp tài nguyên màu mỡ cuộn trào bên dưới những ngôi nhà siêu vẹo, cư dân bản xứ như một bầy chuột đói khát trong một cái kho đầy nhóc thóc.

Với bối cảnh những năm 1980, trên đảo ấy cùng lúc tồn tại hai thế giới hoàn toàn trái ngược, đó là khu điền trang thiên đường của người giàu và khu ổ chuột dành cho kẻ nghèo, được ngăn cách bởi những bức tường gắn biển "Không phận sự miễn vào". Một biểu tượng lâu đời của "đặc khu" nghèo đói đó là trường tiểu học Muhammadiay nằm ngay bìa rừng: xập xệ và không có toalet, nhìn từ xa lúc nào cũng như muốn đổ sụp. Trường có một thầy hiệu trưởng và một cô giáo trẻ, ngày tựu trường ở đây thật lạ lùng, từ thầy đến trò ai nấy đều lo sợ hồi hộp đến phát khóc, bởi ngôi trường sẽ bị đóng cửa ngay lập tức nếu không tuyển được ít nhất là mười em học sinh. Trong khi đó các bậc phụ huynh lại miên man với suy nghĩ: thà để lũ trẻ ở nhà làm thuê còn ích lợi hơn. Họ là những người lao động hiền lành, tốt bụng và chứa chan hy vọng nhưng lại không biết rằng đi học là một quyền cơ bản của con người bất kể giai tầng, thậm chí đối với nhiều người “giáo dục là một điều bí ẩn”.

Thầy hiệu trưởng Harfan là một người đặc biệt, ông hết lòng phụng sự ngôi trường này đã hơn năm mươi mốt năm mà không được trả một đồng lương. Bài học đầu tiên mà thầy dạy các trò lớp một đó là: phải giữ vững niềm tin và khát khao mãnh liệt để đạt được ước mơ, hạnh phúc, dù còn nghèo vẫn phải tìm cách trao đi thật nhiều yêu thương. Bầu nhiệt huyết, sự khôn ngoan và can đảm của thầy ngay lập tức khiến cả bọn phải lòng thầy và phải lòng luôn cái ngôi trường cũ kỹ này. Tiếp nối sự nghiệp giáo dục cao cả của thầy giáo già Harfan là cô Mus, một cô gái 15 tuổi nhất định từ chối những cơ hội tốt trong khu nhà giàu để nhận làm giáo viên trong một nếp trường tồi tàn vốn chỉ dành cho lũ trẻ nhà nghèo đứng ngoài nhịp điệu xã hội. Tình nguyện đi dạy học như thế cô chẳng hề có lương mà tự làm thêm  việc khác để trang trải cuộc sống. Bù lại những ngôn ngữ toát ra từ trái tim thuần khiết và vị tha đó của cô đã truyền tới lũ trẻ một sức mạnh kỳ diệu khác thường, chẳng thế mà qua mấy năm học dù gặp phải hoàn cảnh khốn khó cỡ nào cũng không có em học sinh nào nghỉ lấy một buổi học.

Mười em học sinh là mười tính cách và năng lực khác nhau nhưng thấu hiểu và gắn bó với nhau thật keo sơn: “chúng tôi như những động vật thân mềm nhỏ bé bám vào nhau để tự bảo vệ mình khỏi những đợt sóng dập dồn trong đại dương tri thức” và "cùng nhau làm nên dải cầu vồng đẹp nhất thế gian này". Thủ lĩnh tinh thần của bọn nhóc là Lintang, một cậu bé ngày ngày hồ hởi vượt qua con đường 40 cây số để tới trường bất chấp việc phải bơi sông hay phải đụng độ với bầy cá sấu. Ngay cả khi những người kiên cường nhất đã ngã lòng trước tiếng gầm rú của những cỗ máy xúc tư bản thì cậu vẫn một lòng một dạ với ngôi trường tàn tạ, vẫn coi nó như thần điện của tri thức. Với trí tuệ siêu việt đáng kinh ngạc, Lintang là một thần đồng toán học mà cuộc đời không giây phút nào ngừng chiến đấu cật lực với số mệnh, nhưng cậu càng thần diệu bao nhiêu thì cái kết của câu chuyện dành cho Lintang càng khiến người đọc phải suy ngẫm bấy nhiêu: tôn giáo phải chăng chỉ là một liều thuốc giảm đau, nó có thể làm gì khi đứng trước vị thần được tôn thờ chính là địa vị xã hội xây dựng trên nền tảng của sự phân biệt đối xử với những cư dân bản xứ nghèo khó. Giấc mơ bành trướng thuộc địa trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số.

Nguồn sinh lực và sự thông suốt của Lintang đã mở rộng tầm nhìn của đám bạn trong lớp, khiến chúng trở thành những chiến binh cầu vồng đích thực - dám ước mơ chiến thắng số phận và sống có hoài bão. Sahara muốn trở thành nhà hoạt động xã hội vì quyền phụ nữ, Akiong muốn thành thuyền trưởng, Kucai ôm ấp hoài bão trở thành một thành viên trong hội đồng lập pháp Indonesia, Syahdan tuyên bố muốn trở thành diễn viên, Mahar muốn trở thành ông đồng tiếng tăm lừng lẫy, Samson chỉ muốn làm nhân viên soát vé và bảo vệ rạp hát của làng, Trapani tốt bụng và đẹp trai muốn làm thầy giáo, Harun lúc nào cũng vậy muốn trở thành Trapani, bản thân Lintang muốn trở thành nhà toán học. Và nhân vật tôi Ikal kẻ luôn cầu thánh cho mình không phải làm một nhân viên đưa thư quá ư vất vả, để rồi hiểu rằng: không phải lúc nào ước mơ ban đầu cũng thích hợp và kế hoạch A thì có thể sẽ thất bại thảm hại! Khi đó cứ vứt bỏ luôn kế hoạch ban đầu ấy đi, rồi tìm 1 tài năng mới, và làm theo đúng quy trình lúc trước đã làm với kế hoạch A.

Tương lai của những đứa trẻ luôn là một ẩn số, dù sau này trái (nhân quả) mà họ nhận được có khiến cho người đọc bàng hoàng xót xa hay vừa vặn thỏa lòng thì mỗi thành viên trong nhóm Chiến binh cầu vồng năm ấy đều khắc ghi trong trái tim mình một thời tuổi thơ đến trường thật lung linh tươi mát. Học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.” Đây là định nghĩa hết sức thú vị về giáo dục của thầy giáo Harfan trong tác phẩm Chiến binh cầu vồng của nhà văn Andrea Hirata.

2. Totto-chan bên cửa sổ

Thông tin xb: NXB Văn học, 2011

Mô tả: 355tr; 14x19 cm

Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko; Iwasaki Chihiro minh họa; Trương Thùy Lan dịch

Giá bìa: 70.000đ

Nội dung: Ai cũng từng là một đứa trẻ mau khóc mau cười, không biết sợ hãi cũng chẳng giận hờn quá năm phút bởi còn mê mải khám phá thế giới muôn màu ngoài kia, nhưng khi lớn lên rồi chẳng mấy ai còn được sống với tâm hồn hoang dại và thuần khiết ấy nữa. Cuốn tự truyện Totto chan bên cửa sổ của nữ văn sĩ Tetsuko Kuroyanagi (xuất bản lần đầu năm 1981 tại Nhật Bản) sẽ đưa bạn đọc trở về thế giới tuổi thơ trong trẻo, ngọt ngào ngày nào của cô bé Totto chan - tên gọi ngày nhỏ của tác giả.

Totto chan lúc đó mới chừng 5 tuổi, vừa học lớp 1 không được bao lâu em đã bị nhà trường cho thôi học vì gây ra đủ trò phiền phức lạ lùng khiến các giáo viên không sao kiểm soát nổi lớp học. Totto chan tinh nghịch, rất giàu trí tưởng tượng,… nhưng vẫn còn là một cô nhóc vô cùng hồn nhiên và ngây thơ, nếu biết mình bị đuổi học thì hẳn đó là một cú sốc tâm lý rất lớn. Nhưng mẹ hiểu Totto chan không phải đứa bé hư, em chỉ mắc chứng tăng động nhẹ ở lứa tuổi của mình. Mẹ đã khéo léo trò chuyện với Totto chan và dẫn em tới một ngôi trường mới với tâm trạng đầy phấn chấn. Đó là trường tiểu học Tomoe (1937-1945) của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku một nhà hoạt động giáo dục tài năng và tận tụy, ông đã xây dựng ngôi trường này bằng tiền riêng của mình để có thể thực hiện những kế hoạch giáo dục tâm huyết với lý tưởng cao đẹp và tình thương yêu học trò vô bờ bến. Ngay buổi đầu đến trường Totto chan đã say mê ngôi trường kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của mình. Ở đây lớp học là những toa xe điện của một đoàn tàu cũ, còn thầy hiệu trưởng thì say sưa nghe Totto chan thổ lộ đủ thứ chuyện trên đời suốt 4 tiếng đồng hồ cho đến tận giờ ăn trưa. Totto chan chợt cảm thấy ở bên thầy thật “an tâm, ấm áp và dễ chịu”, em nghĩ: “Mình có thể ở với thầy suốt đời”, “đôi mắt em sáng lấp lánh như tia nắng sớm mai”.

Thầy Kobayashi đã tạo ra một môi trường học tập tuyệt vời mà bất cứ đứa trẻ nào cũng mơ ước được trải nghiệm. Phương pháp dạy và học ở đây là: Học sinh có thể bắt đầu từ bất cứ môn nào mình thích, dù đó là tập viết hay tập tính, làm văn hay thí nghiệm vật lý, vẽ tranh hay là tập thể dục… Từ đó giáo viên sẽ hiểu được các em thích gì, cá tính của mỗi em như thế nào, chỗ nào không hiểu học sinh sẽ đem lên hỏi thầy cô cho đến khi nào hiểu bài mới thôi. “Việc học tập được tiến hành vào các buổi sáng. Buổi chiều dành để đi dạo, thu thập cây cỏ, tập vẽ, tập hát hay nghe các bài thuyết trình của thầy hiệu trưởng”. “Theo thầy thì tất cả trẻ em bẩm sinh vốn tốt đẹp, và bản chất đó rất dễ bị môi trường xung quanh cùng những ảnh hưởng xấu của người lớn phá hoại. Mục đích của thầy là khám phá bản chất của các em và phát triển nó để giúp các em trở thành những con người với phẩm chất riêng. Thiên nhiên và âm nhạc là những thứ mà thầy thích nhất”.

Ngôi trường mới với biết bao điều thú vị khiến Totto chan có động lực học hành rất nghiêm chỉnh. Cô bé chẳng còn sao lãng việc học tập và tự bày ra mấy trò hết sức "kỳ cục" khiến các giáo viên ở trường cũ cứ thấy em là muốn tránh xa. Mỗi buổi sớm, không cần mẹ phải tét vào mông hay làm đủ mọi cách để đánh thức đã thấy Totto đi sẵn tất, vai đeo sẵn cặp sách, ngồi đợi cả nhà ngủ dậy. Chẳng thế mà thầy Kobayashi luôn nói với Totto chan rằng: “Em thật là mt cô bé ngoan” mà Totto chan thì luôn tin vào lời thầy. Có lần thầy tình cờ đi ngang qua sân trường thì thấy Totto đang hì hụi múc sạch cái bể phốt lên để tìm một món đồ mà em yêu thích, thầy cũng để mặc vậy và chỉ thân tình dặn dò: “Làm xong thì trả hết lại về chỗ cũ nhé”. Đương nhiên là Totto rất nghe lời thầy, em còn cảm thấy thật hài lòng vì thầy chẳng giận mà lại tin tưởng mình như một người lớn vậy. Các thầy cô trong trường cũng gặp phải không ít phen hốt hoảng bởi bao nhiêu sự vụ mà lũ trò nhỏ gây ra nhưng thầy hiệu trưởng không bao giờ mời bố mẹ đến mà đều giải quyết riêng giữa thầy và học sinh. Ở trường chẳng có môn nào bị coi là môn phụ, các bạn nhỏ được học bơi, học hát, học thể dục nhịp điệu giúp bộ máy cơ thể trở nên nhạy bén hơn, rồi tâm hồn mà biết cách vận động thì tính cách cũng uyển chuyển, lành mạnh phù hợp với quy luật tự nhiên. Thầy hiệu trưởng còn tổ chức những buổi ngoại khóa mang đậm dấu ấn trường Tomoe như việc tổ chức cắm trại vào buổi đêm giúp mấy bạn nhát ma trở nên can đảm hơn, hay giới thiệu với các bạn nhỏ "thầy giáo nông dân", người sẽ dạy các em làm quen với công việc đồng áng. Những buổi dã ngoại thú vị trở thành những chuyến phiêu lưu đầy mong đợi giúp các bạn nhỏ được mở rộng tất cả mọi giác quan của mình. Chẳng thế mà lời của thầy Kobayashi dù rất nhiều năm sau vẫn in đậm trong tâm trí Tetsuko và những người bạn học năm ấy, thầy nói: "Điều đáng sợ là có mắt mà không nhìn thấy vẻ đp, có tai mà không nghe thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý, chưa cảm kích thì chưa cháy hết mình”.

Cô bé Totto chan lớn lên trở thành một Tetsuko lừng danh với các hoạt động nghệ thuật và từ thiện cũng bởi bà đã có một tuổi thơ được sống trọn vẹn hạnh phúc với lứa tuổi của mình, bên người mẹ hiền dịu và người thầy mang lý tưởng cao đẹp luôn kiên trì thấu hiểu và dìu dắt những mầm non đất nước. Ngày nay ở Việt Nam và trên thế giới vẫn có những ngôi trường với phương pháp giáo dục đặc biệt như trường Tomoe của cô bé Totto chan ngày ấy nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình theo học. Tuy vậy chỉ cần mỗi người hiểu đúng tầm quan trọng và cách thức giáo dục nhi đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết cũng chính là đã lan tỏa tấm lòng yêu thương trân trọng những búp măng non bé bỏng, góp phần bồi đắp nguyên khí quốc gia: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra già cả”.  Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên và chẳng người lớn nào có thể trở lại để thay đổi tuổi thơ của mình. Dẫu cuộc sống còn lắm bộn bề, hãy dành một phần sâu sắc trong trái tim mình thắp sáng và nâng đỡ những tâm hồn non nớt. Bởi thế gian này sẽ sảng khoái biết bao khi lấp lánh những tiếng cười giòn tan của trẻ thơ báo hiệu đông qua xuân đến, bầu không khí trở lại ấm áp và tràn trề những điều tươi mới như trong một bài haiku yêu thích của thầy Kobayashi:

Khi nào tuyết tan

Trên khắp xóm làng

Ngập tràn bọn trẻ. (Issa)

3. Khuyến học

Thông tin xb: NXB Văn hóa Thông tin - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2013

Mô tả: 259tr; 13x20,5 cm

Tác giả: Fukuzawa Yukichi; GS. Chương Thâu dịch

Giá bìa: 62.000đ

Để hiểu được giáo dục khai phóng và tư tưởng học tập chủ động đã ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào đến sự phát triển vượt bậc của một quốc gia Châu Á nhỏ bé mà sánh ngang tầm cùng các cường quốc Âu, Mỹ, các bạn có thể tìm đọc tác phẩm Khuyến học của nhà tư tưởng vĩ đại xứ Phù Tang – ông Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Ngay khi được xuất bản vào năm 1876 (thời Minh Trị) Khuyến học đã nhanh chóng trở thành sách gối đầu giường của hầu hết quốc dân Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Với tuyên ngôn "trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người" Fukuzawa Yukichi khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Cùng với kinh doanh và luật pháp thì học vấn là 1 trong 3 yếu tố hình thành nên nền văn minh hiện đại. Vượt khỏi tư duy hư văn, ít thiết thực cho cuộc sống của Hán học, ông thúc giục người Nhật học đọc, học viết, học những phép toán và các lĩnh vực khoa học khác như địa lý, vật lý, lịch sử, kinh tế, đạo đức học... mà những tri thức này lại được tường minh hơn cả trong các học liệu phương Tây, vì vậy việc dịch thuật và mở cửa hội nhập tại Nhật được Fukuzawa Yukichi cùng các nhóm cải cách hăm hở thúc đẩy. Ông cũng khuyến nghị các bạn trẻ cần có một tinh thần bình an và ý chí vững vàng, “có năng lực lựa chọn: tin cái gì và nghi ngờ cái gì?”, khi học thì cần đào sâu suy nghĩ để hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật.

Đối với Fukuzawa Yukichi học không chỉ để hoàn thiện nhân cách mà còn nâng tầm trí lực của quốc gia. Khi chịu học ta mới biết điều mình còn thiếu để gắng công bù đắp, sự hiểu biết mẫn tuệ tạo nên con người độc lập, không mang tư tưởng dựa dẫm, không bị chi phối bởi những điều phi lý. Sức mạnh quốc gia dân tộc bắt nguồn từ chính những cá thể xã hội mạnh mẽ, tự cường đó. Ông kêu gọi toàn dân đồng lòng tham gia học tập khai trí: các vị chúa đất hãy thôi ăn bám vào nông dân mà trở thành các nhà tư sản, còn nông dân tá điền thì tự kiến tạo đời mình đừng để mặc vận mệnh cho một chủ nhân nào đó. Fukuzawa Yukichi khẳng định: “nền văn minh của quốc gia không thể tiến bộ nếu chỉ bằng quyền lực của chính phủ”, khi nhân dân chỉ còn biết nhắm mắt tuân theo các chỉ thị thì đất nước giống như tài sản riêng của chính phủ, còn nhân dân chẳng khác nào những người ăn nhờ ở đậu, “và thế thì quốc gia cũng chỉ như cái nhà trọ, để người dân tạm dừng chân trong cuộc đời họ mà thôi”, người ta cần rũ bỏ được thói bàng quan và thực hiện nhiệm vụ xã hội của mình ở bất cứ mức độ nào. Fukuzawa Yukichi cũng chỉ ra rằng: Một người có khả năng tự cung cấp đầy đủ cái ăn cái mặc, là ông chủ độc lập của chính anh ta thì cũng chỉ ngang với loài kiến mà thôi, dù trải qua hàng trăm thế hệ đời sống ấy cũng chẳng có gì thay đổi. Con người được quý trọng không chỉ vì tạo ra vật chất no ấm cho bản thân và gia đình mà còn vì trách nhiệm xã hội, “làm được một cái gì đó cao thượng, trao truyền lại dấu tích hoạt động cho thế hệ mai sau”. Nền văn minh nhân loại mà chúng ta được kế thừa ngày nay cũng như nhận được ánh nắng mặt trời và không khí ngoài kia – chính là những thứ tối cần thiết cho cuộc sống mà chẳng mất tiền, vậy ai đã biết cảm ơn những phúc lành này?!

Học vấn đâu chỉ khai sáng những con đường văn minh tiếp theo, đó còn là phương cách duy nhất để bảo vệ vững chắc nền độc lập của Nhật Bản trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa. Xuyên suốt tập sách luận tinh thần khuyến học dồn dập hòa cùng lòng khao khát chấn hưng dân trí cho thấy quyết tâm hội nhập mãnh liệt và triệt để của tác giả. Fukuzawa cho rằng: Các dân tộc châu Á không thể thoát khỏi những quan điểm đã tồn tại suốt hàng ngàn thế hệ, nền văn hóa tiểu nông cổ hủ lạc hậu nặng về hình thức kém xa sự mạnh dạn trong hành động, tư duy và ý chí của các nước phương Tây, chúng ta không cần chiến tranh nhưng cần sự ganh đua về trí tuệ. Giành được chính quyền chưa phải là độc lập, đất nước chỉ giành được độc lập khi thực sự trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Ông cảm thấy thời giờ dành cho người dân Nhật Bản thật gấp rút, nhất định không được bỏ phí một phút giây nào để mở mang tâm trí và có những hành động đúng đắn đối với công việc quốc gia đại sự. Fukuzawa Yukichi chính là người đi đầu trong công cuộc khai hóa đất nước dưới thời Minh Trị, là chiếc cầu nối giữa tư tưởng văn minh của phương Tây và Nhật Bản. Từ nguy cơ trở thành miếng mồi cho đế quốc, Nhật Bản đã trỗi dậy trở thành một thành viên ngang hàng với các cường quốc Âu Mỹ, được chia sẻ quyền lợi về thuộc địa trên toàn cầu và tiến tới những thỏa thuận quan trọng trên chính trường thế giới.

Tại Việt Nam thời kỳ này (nửa cuối thế kỷ XIX) bối cảnh lịch sử không khác nhiều so với Nhật Bản, đặc biệt ở nước ta cũng xuất hiện một nhà cải cách xã hội có xuất thân, có điều kiện học tập, tài năng và chí nguyện vì xã tắc tương tự tiên sinh Fukuzawa. Ông là nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) nổi tiếng trong lịch sử với những bản điều trần về canh tân đất nước gửi lên Triều đình Huế nhưng không được phúc đáp. Cách hành xử mang tư duy cận thần của ông khác xa với chủ trương bắt tay vào hành động của Fukuzawa, tuy các bản điều trần gửi lên Thiên Hoàng không nhiều, Fukuzawa chủ yếu tập trung vào việc mở trường, dịch sách phương Tây, hợp tác với các trí thức nước ngoài, viết sách và có nhiều bài báo gây tranh cãi nhằm hướng các đề xuất của mình tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Nguyễn Trường Tộ thất bại trong việc thực hiện lý tưởng của mình (chẳng bao lâu sau Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp, người dân chịu kiếp sống nô dịch lầm than) thì Fukuzawa đã truyền bá thành công tư tưởng khai sáng của ông tới mọi quốc dân đồng bào, góp phần không nhỏ vào những thành tựu giáo dục, kinh tế, công thương nghiệp... của cuộc Duy tân Minh Trị. Sức thuyết phục từ tư tưởng tới hệ quả của Fukuzawa sau đó đã lan tỏa sâu sắc tới tầng lớp trí thức yêu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX trong đó phải kể đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Chánh Chiểu,... những danh sĩ đi đầu trong phong trào Đông du, nỗ lực vận động học sinh Việt Nam băng núi vượt biển sang Nhật học tập nêu cao tinh thần lập thân phục quốc với khao khát đưa nước nhà thoát khỏi ách đô hộ của bè lũ thực dân.

Hạ đăng sáng khắp mọi nơi,

Bóng sao thấp thoáng, vẻ trời long lanh.

Đài kỷ niệm tranh vanh trong nước,

Đèn hoan nghênh kẻ rước, người đưa.

Nào người Dụ Cát, Lư Thoa (*)

Nay vừa gặp hội xin ta gắng lòng!

(Trích Hải ngoại huyết thư – Phan Bội Châu)

(*) Dụ Cát tức Phúc-Trạch Dụ-Cát (Fukuzawa Yukichi). Lư Thoa tức Jean Jacques Rousseau (1712-1778), nhà văn và là nhà Triết học người Pháp đại diện cho trào lưu Khai sáng thế kỉ XVIII.

4. Émile hay là về giáo dục

Thông tin xb: NXB Tri thức

Mô tả: 691tr; 16x24 cm

Tác giả: Jean Jacques Rousseau; Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch

Giá bìa: 117.000đ

Nội dung:

5. Em phải đến Harvard học kinh tế **

Thông tin xb: NXB Đồng Nai

Mô tả: 543tr; 17x25 cm

Tác giả: Lưu Vệ Hoa, Trương Hân Vũ; Thụy Anh dịch

Giá bìa: 110.000đ

Thu Hương