Những câu thơ chứa chan hoa và nắng, hạnh phúc và tự hào ấy tái hiện lại khung cảnh ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội nơi Bác Hồ tuyên bố với toàn thế giới Bản tuyên ngôn độc lập của một quốc gia nhỏ bé kiên cường. Theo Nhà Sử học Na Uy Stein Tonnesson nhận định thì Bản Tuyên ngôn độc lập ngày mồng 02/9/1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu.
Thư viện tỉnh Thái Bình xin trân trọng giới thiệu 03 ấn phẩm biên soạn và tổng hợp từ dữ liệu lịch sử giúp bạn đọc khái quát được tình hình hoạt động cách mạng của dân tộc ta trước, trong và sau ngày Quốc khánh 02/9/1945:
1. 02/9/1945 qua những trang hồi ức
Thông tin xb: NXB Quân đội nhân dân, 2005
Mô tả: 294tr, 13x19 cm
Tổ chức bản thảo: Bùi Thu Hương, Nguyễn Đức Cường
Giá bìa: 32.000đ
Nội dung: Cuốn sách ghi lại hồi ức của một lớp người đã được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 02/9/1945, mang đến cho chúng ta cái nhìn toàn diện và sâu sắc về những sự kiện lịch sử hệ trọng của dân tộc.
Thời ấy ba tiếng Giải phóng quân có sức thu hút mãnh liệt, người ta chỉ ước sao có đôi cánh để bay tới chiến khu Tuyên – Thái mà sống cuộc đời chiến đấu và tự do trên ấy. Thanh niên là những người dễ giác ngộ cách mạng hơn cả, họ yêu thích cuộc đời phơi phới lý tưởng, được sát cánh bên anh em đồng đội xăm xắm làm việc nọ việc kia có ích cho Quốc gia đại sự. Ngày 16/8/1945 đơn vị Quân giải phóng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mở đầu cho Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội. Ngày 18/8/1945 nhân dân Thủ đô cả đêm không ngủ nô nức chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vào hôm sau. Ngày 19/8/1945, chính quyền về tay nhân dân, không khí Hà Nội thật sôi động, các đoàn thể được thành lập. Ở miền Nam - Sài Gòn ngày 24/8/1945 rạp Nguyễn Văn Hảo và một góc thành phố như nổ tung. Người ta hô khẩu hiệu, quăng lên trời những gì có thể quăng... gặp nhau bất kể lạ quen đều… gọi nhau là đồng chí. Ngày 30/8/1945 ở Ngọ Môn – Huế hàng vạn người dân trong sắc cờ đỏ sao vàng đã chứng kiến Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đọc lời thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. Chính quyền mới đã ứng xử kiên cường, khéo léo và dành được sự mặc nhiên thừa nhận của các nhà chức trách đương quyền Nhật, được người dân Hà Nội cả những người trong bộ máy cũ nhiệt liệt hưởng ứng, ủng hộ. Thái độ trung thực, thẳng thắn tích cực của nhân sĩ Bắc Hà, những công dân tích cực của 36 phố phường lúc ấy… được coi là một sự phê chuẩn, một sự cổ vũ lớn lao và cùng gánh vác quý giá. Ngày 02/9/1945 giữa rừng cờ hoa, băng biển hàng chục vạn quần chúng tập trung tại Quảng trường Ba Đình náo nức mong chờ sự xuất hiện của vị chủ tịch nước đầu tiên.
Mùa thu năm Canh Tuất (1010) Hoàng đế Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ngược sông Hồng ra Thăng Long cùng dân ta gây dựng cơ đồ, mùa thu năm 1945 Hồ Chủ tịch từ Tân Trào cũng xuôi theo dòng sông mẹ mà trở về Hà Nội trên thuận ý trời dưới hợp lòng dân cùng nhau mở hội, tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”
2. Sự ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập
Thông tin xb: NXB Văn hóa - thông tin, 2015
Mô tả: 196tr, 13x20,5 cm
Sưu tầm và biên soạn: Vũ Kim Yến
Giá bìa: 49.000đ
Nội dung: Ngày 04/5/1945, Bác Hồ rời Cao Bằng về Tuyên Quang thành lập Khu Giải phóng gồm 06 tỉnh vùng cao lấy Tân Trào làm trung tâm. Sau thắng lợi ngày 19/8/1945 Trung ương Đảng quyết định chuyển đại bản doanh về Thủ đô. Ngày 25/8/1945 Bác cùng đoàn cán bộ cách mạng có mặt ở Hà Nội, cơ sở bí mật đặt tại tầng hai Hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi – phố Hàng Ngang.
Tuy chưa lại sức sau trận ốm nặng ở Tân Trào nhưng lúc này Bác ngổn ngang trăm mối nào hội họp, đi công tác, tiếp khách, và đủ các thứ việc chất chồng. Sang ngày 28/8/1945 Người tập trung vào việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. Khi ấy dù không biết Bác nhưng thương Ông Cụ võ vàng gầy đanh như một đạo cốt, mắt sáng dịu dàng… như thấu suốt đến tận cùng mà lại ngủ rất ít tiếng máy chữ gõ thâu canh, ông bà chủ nhà đã hết sức chăm sóc, tẩm bổ cho Người. Ngoài kia một luồng sinh khí mới đang bao trùm thiên hạ, những người dân Việt Nam sung sướng cảm nhận hơi thở của tự do. Chỉ cách đó hơn một tuần Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, tụi mật thám nhan nhản khắp nơi hễ thoáng thấy cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ, thế mà giờ đây cờ đỏ bay phấp phới khắp phố phường.
Và rồi ngày ấy cũng đến… ngày Chủ nhật, 02/9/1945 giữa lồng lộng trời thu của thế kỷ XX Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố trước sự chứng kiến của hàng chục vạn quốc dân đồng bào cùng các phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế. Áng hùng văn ngân vang sông núi tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang xuyên suốt bao thế kỷ, từ Lời thề sông Hát của Hai Bà Trưng cho tới Bài thơ thần Nam quốc sơn hà của thế kỷ XI và Bình Ngô đại cáo năm 1428 đã thể hiện khát vọng độc lập cũng như bản lĩnh và tinh thần đại đồng của con người Việt Nam. Còn nhớ vào mùa hè năm 1919 Bác đã tới hội nghị hòa bình ở Véc-xây nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh dân chủ cho những người dân thuộc địa nhưng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người chỉ còn biết trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình… Bác luôn tin cậy vào lòng yêu nước của người Việt Nam ở bất cứ giai tầng xã hội nào, vì vậy nguồn lực cho cách mạng được huy động trong dân từ những người nghèo, lao động đến trí thức, quan lại và những người giàu có đi theo cách mạng. Điển hình là Gia đình quyền quý bậc nhất Hà thành khi ấy đã nhiều lần đóng góp tiền vàng, của cải cho Việt Minh, và dành riêng căn nhà số 48 phố Hàng Ngang làm trụ sở đầu não của Cách mạng. Căn nhà ấy ngày nay trở thành khu lưu niệm Bác Hồ - một di tích lịch sử thiêng liêng của dân tộc. Còn tên nhà tư sản yêu nước ấy được đặt cho một con phố ở Hà Nội: phố Trịnh Văn Bô.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tuyên ngôn độc lập đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Thông tin xb: NXB Quân đội nhân dân, 2006
Mô tả: 333tr, 14,5x20,5 cm
Tổ chức chương trình xuất bản: Nguyễn Duy Tưởng, Phạm Thúy Nga
Nội dung: Những ngày tưng bừng của Tổng khởi nghĩa qua đi rất nhanh. Thực chất Quốc tế vẫn chưa công nhận chính quyền Hồ Chí Minh và nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Được Anh và Mỹ hậu thuẫn ngày 23/9/1945 thực dân Pháp quay lại Việt Nam với quyết tâm thôn tính nước ta lần nữa. “Giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, ba thứ giặc cùng lúc ập đến đẩy vận mệnh dân tộc vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Hồ Chủ tịch khi ấy đã làm thế nào chèo lái con thuyền cách mạng để bảo vệ những thành quả của chính quyền non trẻ sau ngày 02/9/1945? Mời bạn đọc cùng chúng tôi khám phá câu trả lời trong cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tuyên ngôn độc lập đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuốn sách đã chọn lọc những bài nói của Bác và trích đoạn hồi ức của một số cán bộ cách mạng trong thời gian từ ngày 02/9/1945 đến cuối năm 1946 khái quát những diễn biến chính của đất nước xoay quanh công cuộc củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những lá thư của Bác cho thấy tầm bao quát lớn của một người cha đối với đại gia đình của mình, Bác báo cáo trước quốc dân những nơi mình đã đi, những việc mình đã làm, thẳng thắn đề cập đến những vướng mắc xuất phát từ lối tư duy hủ cựu… Bác phân tích rạch ròi tình hình chính trị trong và ngoài nước, từ đó phân công nhiệm vụ tới từng thành phần nhân dân và đoàn thể trong xã hội. Hồ Chí Minh đã truyền niềm khát khao mãnh liệt về tự do dân tộc tới mọi người dân Việt Nam: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó… tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng cũng vì mục đích đó. Càng yêu cuộc sống thiết tha người ta càng sẵn sàng hy sinh vì sự sống, để sống đúng nghĩa một con người chân chính.
Hồ Chí Minh cũng liên tục gửi thư tới các nguyên thủ quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hiệp quốc… nêu rõ thiện chí hòa bình, tránh chiến tranh đổ máu nhưng mọi nỗ lực thương thuyết đều bị giới cầm quyền thực dân khước từ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đôn đáo khắp nơi tìm mọi biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì nền hòa bình đồng thời củng cố lực lượng. Khi thì chúng ta tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp ở miền Nam (8/1945-3/1946), khi thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi đất nước (3/1946-12/1946). Trong chuyến thăm Pháp kéo dài hơn 4 tháng (từ 31/5 đến 20/10/1946) Bác đã tiếp xúc với hàng ngàn lượt người thuộc nhiều giai tầng, thân phận khác nhau nhằm tỏ rõ và giúp mọi người hiểu được lẽ phải thuộc về Việt Nam, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của kiều bào và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới với cuộc kháng chiến của dân tộc.
Từ ngày 15-16/12/1946 Pháp liên tục nổ súng gây hấn ở nhiều nơi và ra tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội ta để chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Hồ Chí Minh nhận định: “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Đêm ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sáng ngày 20 tháng chạp năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc.” Từ đây bắt đầu cuộc trường chinh kéo dài hơn 30 năm của dân tộc. Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, ta sẽ gặp mùa Xuân của dân tộc với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Tổng tiến công mùa xuân năm 1975 chính thức kết thúc sự cai trị của các quốc gia xâm lược và thống nhất giang sơn về một mối.
Thu Hương