25/08/2021

Tủ sách online: Triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021)

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

(…) Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

          Truyền thống chống ngoại xâm từ ngàn đời qua đã hun đúc nên ý chí chiến đấu ngoan cường và bất khuất của dân tộc ta, từ thời Bắc thuộc cho đến các cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán, Tống, Nguyên - Mông, …, Pháp, Mỹ đều xuất hiện những danh tướng lẫy lừng trời Nam đất Việt đại diện cho tinh thần và khát vọng của nhân dân không ngừng đấu tranh vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Sử xưa ghi danh những vị hùng tướng như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ… thì lịch sử hiện đại (từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI) gọi tên người chiến sỹ cách mạng: Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam. Xuất phát là một thầy giáo dạy sử ở trường Thăng Long và không được đào tạo qua bất kỳ một trường quân sự nào nhưng Võ Nguyên Giáp trong 30 năm liền vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, trong gần 50 năm vẫn tham dự những hội nghị chính trị cấp cao của đất nước. Binh nghiệp rực rỡ của ông gắn liền với chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là cuộc đụng độ với thực dân Pháp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; tiếp đến là cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” ghi dấu đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc hoàn toàn nạn ngoại xâm trên dải đất hình chữ S thân yêu, từ đó thống nhất hai miền Nam - Bắc, đất nước trọn niềm vui, nhân dân ta được làm chủ cuộc đời mình, được tự do tiến tới công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển nước nhà.

               Cậu bé Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời vào ngày 25/8/1911 nơi miền cát trắng gió Lào huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tuy gia cảnh khó khăn nhưng cậu thừa hưởng được truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm từ người cha là nhà nho trung quân ái quốc và người mẹ vô cùng mê say thơ, truyện về anh tài, hào kiệt trong dân gian. Năm 1927 sau khi bị cho thôi học ở trường Quốc học Huế vì tham gia một cuộc bãi khóa bảo vệ các học sinh yêu nước, Võ Nguyên Giáp tham gia Tân Việt cách mạng Đảng vào năm 1929. Thời kỳ này anh tập trung vào việc viết báo, học Đại học Luật - Đông Dương và dạy lịch sử tại trường Thăng Long. Từ lâu Võ Nguyên Giáp đã nung nấu ý nghĩ: “sau này mình sẽ đi dạy học, sẽ dần gieo vào đầu óc bọn trẻ lòng yêu nước, yêu tự do là những thứ đang bị thực dân nước ngoài chà đạp” những tiết học lịch sử của thầy Giáp vì thế luôn có sức truyền cảm mãnh liệt đối với học sinh. Ngày 25/10/1930 Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam trong cuộc khủng bố trắng khi nổ ra phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, trong số người bị bắt cùng anh có thầy Đặng Thai Mai và nữ sinh Nguyễn Thị Quang Thái (em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) người sau đó ít lâu trở thành mối tình đầu và kết hôn với anh vào năm 1935. Giai đoạn 1936-1939, Võ Nguyên Giáp là một trong những người sáng lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương và có nhiều hoạt động nổi bật về vấn đề đấu tranh đòi ruộng đất cho nông dân. Mùa hè 1940, anh lên đường ra nước ngoài hoạt động trong phong trào hải ngoại để lại vợ và con gái mới sinh, không ai ngờ được lần chia tay này cũng là lần vĩnh biệt. Chị Thái bị giặc Pháp bắt giam và qua đời trong ngục đầu năm 1944. Năm 1941 Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về Cao Bằng tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12/1944 lãnh tụ Hồ Chí Minh trao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Bác còn tặng cho anh bí danh “Văn” bởi Người không chỉ nhìn ra năng lực quân sự mà còn thấy rõ cốt cách nhân văn nghệ sĩ nơi Võ Nguyên Giáp. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp mang theo đội quân được trang bị tối tân trở lại Việt Nam muốn một lần nữa thôn tính đất nước ta. Cuối năm 1946 Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động toàn quốc kháng chiến, Võ Nguyễn Giáp thời gian này được sự khích lệ của Bác Hồ đã tổ chức một đám cưới giản dị với cô Đặng Bích Hà - con gái giáo sư Đặng Thai Mai, hai người sau này có với nhau bốn người con. Ngày 28/5/1948 Võ Nguyên Giáp chính thức được phong hàm Đại tướng khi mới 37 tuổi, ông là người học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh công phu rèn luyện, trực tiếp giáo dục và “dạy đạo làm tướng” với phương châm “Dĩ công vi thượng” (lấy việc công, việc Đảng, việc nước, việc dân lên trên hết). Cuối năm 1953, Võ Nguyên Giáp ra trận với cương vị Tổng tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi mấy vạn quân cùng đạn pháo đã lên nòng sẵn sàng “dội lửa” lên đầu kẻ thù ông lại có một khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”, quyết định sáng suốt của ông đã rút ngắn thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp và bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh, tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Năm 1975 để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Thường trực Quân ủy ký một “Bức điện gửi lịch sử” gửi đến toàn mặt trận với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Bằng sức mạnh tổng hợp chiếm ưu thế tuyệt đối từ chiến tranh nhân dân, ông đã chỉ huy công cuộc giải phóng miền Nam trong vòng chưa đầy 2 tháng, trong đó có cả quần đảo Trường Sa.

            Được mệnh danh là “Đại tướng đánh thắng nhiều Đại tướng nhất”, Võ Nguyên Giáp luôn tìm mọi cách để chiến thắng nhưng không phải chiến thắng bằng mọi giá bởi Người xót xa xương máu của chiến sỹ, mỗi lần chứng kiến sự thương vong tàn khốc trên chiến trường, ông đều rơi nước mắt, Đại tướng căn dặn các cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên: "Đảng giao cho các đồng chí 1 tiểu đoàn có nghĩa là phó thác sinh mệnh của gần 500 con người cho các đồng chí, Đảng giao cho các đồng chí 1 trung đoàn, có nghĩa là các đồng chí quyết định chuyện sống chết của gần 3.000 con người, Đảng giao cho các đồng chí 1 đại đoàn là 1 vạn người con ưu tú của Đảng. Cho nên các đồng chí phải biết tiếc thương từng giọi máu của đồng chí, đồng đội. Các đồng chí thấy thương vong nhiều thì các đồng chí phải biết xót xa". Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng một thời đứng bên kia chiến tuyến đều dành cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt. “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn sẽ là thầy giáo dạy Sử”. Đây là câu trả lời của Đại tướng khi được phóng viên Stanley Karnow của tạp chí New York Time phỏng vấn. Trong bài báo có viết: “Câu nói ấy đủ để nêu bật tình yêu hòa bình của một vị tướng với những chiến công lừng lẫy”. Thời loạn, người thầy ấy làm tướng quân đánh giặc giữ nước, thời bình lại đau đáu chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Xuyên suốt trong tư tưởng và tâm huyết trọn đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chiến lược vì con người và tự học tập suốt đời. Ông đã có nhiều bài viết định hướng giáo dục phát triển toàn diện cũng như cổ vũ những phát minh sáng tạo gắn liền nghiên cứu với sản xuất. Đại tướng còn tiến hành tổng kết kinh nghiệm chiến tranh bằng nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử như Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng,…

            Ngày 04/10/2003 nhân dân cả nước nghẹn ngào treo cờ rủ trong lễ Quốc tang vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc mình, vẫn biết Người tuổi cao sức yếu nhưng tin dữ này khiến nhân dân cả nước đều vô cùng hụt hẫng, hàng triệu quốc dân đồng bào đã không kìm được bật khóc nức nở. Cây đại thụ cuối cùng của thế hệ vàng đã nằm xuống, đó là một thế hệ đã sống vào thời điểm rất nhiều thử thách của lịch sử, và đã góp phần tạo ra những bước đi rất dài của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người dân thương khóc không phải chỉ vì huyền thoại khuất bóng mà sự ra đi của ông còn là sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần, văn hóa cao đẹp, đem lại niềm kiêu hãnh vốn có của người Việt. Truyền thông quốc tế từ các hãng thông tấn hàng đầu thế giới (AFP, AP, BBC, Reuter, Euronews, Tân hoa xã,…) cho tới các tờ báo uy tín của quốc gia (Washington Post, L’Humanite, Le Point, L’expression,…) đều đưa tin đậm nét về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử thế giới.

           Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), Thư viện tỉnh Thái Bình xin trân trọng gửi tới bạn đọc một số tác phẩm khắc họa sâu sắc nhân cách và sự nghiệp của Đại tướng cũng như tình cảm mà nhân dân, đồng đội và bạn bè quốc tế dành cho ông. Ngoài ra, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các tài liệu khác về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kho sách của Thư viện tỉnh với rất nhiều tác phẩm do chính Đại tướng chắp bút.

1. Võ Nguyên Giáp vị tướng của hòa bình

Thông tin xuất bản: NXB Thanh niên, 2011

Mô tả: 251tr, khổ 13,5x20,5 cm

Tác giả: Nhiều tác giả

Giá bìa: 48.000đ

Nội dung: Cuốn sách giới thiệu một số bài viết, bài nghiên cứu và phỏng vấn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu bật được phẩm chất và tài năng của ông. Đặc biệt với những buổi gặp gỡ mà người trong cuộc kể lại chúng ta đều cảm nhận được một bầu không khí thật bình dị, ấm áp và tích cực lan tỏa từ con người vĩ đại đó. Cuốn sách cũng giúp bạn đọc hiểu thêm về mối quan hệ mật thiết giữa cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà cách mạng lớn của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cecil B. Currey nhà sử học quân sự người Mỹ trong một ấn phẩm xuất bản về tướng Giáp đã nhận định về ông như sau: “Bề ngoài lạnh lùng của ông che đậy một khí chất dữ dội khiến người Pháp mô tả ông là một ngọn núi lửa phủ tuyết” những thách thức mà Võ Nguyên Giáp vấp phải đã khiến ông trở thành người thầy của chiến thuật, chiến lược và hậu cần.

2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

 

Thông tin xuất bản: NXB Quân đội nhân dân, 2005

Mô tả: 1.002tr, khổ 19x27cm

Nội dung: Những hồi ức của Đại tướng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tái hiện thật rõ nét trong cuốn sách này. Nhờ việc phân tích tường tận từng chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và địch ông đã củng cố được niềm tin và khuyến khích tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ pháo cao xạ, tên lửa, các chiến sỹ không quân trẻ tuổi, các binh chủng ra-đa thông tin và các đơn vị phục vụ khác ra sức sáng tạo lập thành tích. 

Các chiến sỹ của ta chỉ trong một thời gian ngắn đã sử dụng thành thạo các vũ khí hiện đại và bắn rơi được nhiều máy bay địch. Ông chỉ rõ tình hình đế quốc Mỹ hiện nay chỉ là bề ngoài hùng hổ mà không che giấu được bản chất của một tên chiến bại trên chiến trường miền Nam, quyền chủ động đang ở trong tay ta, cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng quân đội nhân dân (lục quân, không quân, hải quân) và ra sức phát triển lực lượng vũ trang quần chúng rộng khắp (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ). Miền Bắc chính là hậu phương lớn của Tổ quốc còn miền Nam lúc này đã nhận thức sâu sắc và kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công tiêu diệt địch. Đại tướng cũng áp dụng phương thức chiến tranh nhân dân mà ông đúc kết và sáng tạo được từ truyền thống tác chiến của cha ông ta từ ngàn xưa, ví như cách đánh của Lê Lợi đó là: ẩn hiện như quỷ thần, tướng như trên trời rơi xuống, quân như dưới đất chui lên, bên cạnh đó là kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa cần phát triển từ miền rừng núi về đồng bằng:

Nghĩa kỳ nhất hướng trung nguyên chỉ,

Miếu toán tiên tri đại sự thành

(Một khi cờ nghĩa đã hướng về đồng bằng, thì có thể thấy trước được việc lớn sẽ thành công.)

3. Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam

Thông tin xuất bản: NXB Chính trị Quốc gia, 2010

Mô tả: 417tr, khổ 15x22 cm

Tác giả: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tạp chí Xưa & Nay

Giá bìa: 132.000đ

Nội dung: Cuốn sách này là một tặng phẩm kính dâng lên Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Danh dự của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Người.

Phần I gồm những bài viết của Đại tướng bắt đầu từ mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng ký tên Văn ngày 12 tháng 8 năm 1945, sau đó là tập hợp một số bài viết hoặc trích đoạn từ hồi kí của Đại tướng về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và các hoạt động của hội khoa học Việt Nam.

Phần II là một số ảnh màu, ảnh đen trắng và những bài viết về Đại tướng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy tài năng, tư duy chiếc lược và bản lĩnh đưa ra quyết định của ông.

4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ

Thông tin xuất bản: NXB Quân đội nhân dân, 2004

Mô tả: 563tr, khổ 19x27 cm

Nội dung: Chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một cục diện chính trị mới, góp phần quyết định vào thắng lợi của hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 làm nức lòng nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đặc biệt là nhân dân Liên xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đã coi cuộc chiến đấu của quân và dân ta như tiền tuyến chống chủ nghĩa đế quốc của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa, đã theo dõi hàng ngày tình hình chiến sự trên mặt trận Điện Biên Phủ để hết lòng ủng hộ và cổ vũ cuộc chiến đấu của nhân dân ta.

Cuốn sách tổng kết những kinh nghiệm quý báu của chiến dịch Điên Biên Phủ qua những trang hồi ức của Đại tướng và cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (thư từ, điện khen,… trong thời kỳ kháng chiến), về các trận đánh của Đại tướng và sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội tình nguyện của ta với Quân giải phóng Pathet Lào cùng nhân dân nước bạn.

5. Từ quyển nhật ký 50 năm tìm về

Thông tin xuất bản: NXB Thanh niên, 2011

Mô tả: 251tr, khổ 13,5x20,5 cm

Tác giả: Ngọc Anh (tuyển chọn)

Giá bìa: 49.000đ

Nội dung: Đối với nhà thơ Tạ Hữu Yên thì Đại tướng là một bộ "Bách khoa toàn thư" còn cần nhiều thời gian tìm hiểu, phát hiện để thấy thêm cái hay, cái đẹp, cái độc đáo từ con người bình dị mà vĩ đại ấy. Xuất hiện trong bối cảnh chính trị xã hội dữ dội của đất nước Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại có thật trong lịch sử dân tộc.

Lấy cảm hứng từ cuốn nhật ký của một liệt sỹ nơi sa trường, người tổng hợp cuốn sách này đã tỉ mỉ ghi lại những đánh giá, sự cảm phục và trân trọng của các vị lãnh tụ Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta cũng như của các tướng lĩnh phương Tây về một con người có tư chất quân sự tài ba xuất chúng mà mỗi quyết định của ông liên quan tới hàng vạn sinh mạng nhân dân, chiến sỹ cũng như vận mệnh của cả giang sơn đất nước. Đặc biệt qua hồi ký của Đại tướng cũng như góp nhặt lời kể từ những người phục vụ và hoạt động bên cạnh Bác Hồ cuốn sách mang lại cho bạn đọc cảm nhận chân thực về mối nhân duyên son sắt giữa hai người chiến sỹ cách mạng vĩ đại nhất dân tộc ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng của thời đại (qua tư liệu nước ngoài)

Thông tin xuất bản: NXB Quân đội nhân dân, 2010

Mô tả: Sách tham khảo, 712tr, khổ 16x24 cm

Tác giả: Nguyễn Văn Sự (Biên soạn)

Nội dung: Đây là một cuốn sách hay và đầy đủ thông tin dành cho những bạn đọc muốn tìm hiểu tường tận về một giai đoạn lịch sử bão táp của nước nhà gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp chiến đấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ thuở còn bắn bi, đánh quay, hát “hò giã gạo” cho tới khi là một thanh niên trưởng thành loay hoay tự tìm đường đi cho lý tưởng của mình: “Chúng tôi không biết phải đấu tranh như thế nào, có nên gia nhập Tân Việt hay không”. Xã hội Việt Nam lúc này đang trải qua một thời kỳ hỗn loạn và “phi lý”, cuộc gặp gỡ định mệnh với Hồ Chí Minh đã khiến Võ Nguyên Giáp từ bỏ Đảng Tân Việt để chính thức đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Giữa hai con người vĩ đại của dân tộc như có một mối dây liên kết kỳ lạ ngay từ lần gặp đầu tiên, Võ Nguyên Giáp đã nhìn thấy con đường tươi sáng để giải phóng dân tộc. Đây là một trong những thời kỳ lạc quan cách mạng nhất của ông, dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên ấy hăm hở xây dựng căn cứ địa, phát triển phong trào cách mạng tại vùng Cao - Bắc - Lạng. Võ Nguyên Giáp học tiếng địa phương, ăn ở, sinh hoạt và mặc đồ như người dân bản địa, bốn năm gian truân ở Pắc Pó ông được thả sức hoạt động chính trị, thể hiện tài năng tổ chức du kích để rồi làm chủ Hà Nội vào mùa thu năm 1945, kẻ địch cảm thấy ngưỡng mộ một bộ óc vĩ đại trên một thân hình bé nhỏ, khi đó người ta nhận định Võ Nguyên Giáp là một nhà thương thuyết đôi khi quá cương nghị nhưng luôn luôn lịch thiệp. Ngày 2/9 cờ Việt Minh bay phấp phới trên mặt tiền mọi nhà, người dân đi trong phố có thể ngẩng cao đầu. Không chút ngơi nghỉ, Nguyên Giáp tiếp tục bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và cuộc kháng chiến chống Mỹ gian truân khốc liệt, để kiểm soát chiến địa ông chia ra các vùng lãnh thổ khác nhau: vùng tự do, vùng tạm chiếm và vùng du kích vẫn với lối đánh độn thổ từ dưới đất ngoi lên khiến quân địch luôn phải hoang mang tự hỏi: Võ Nguyên Giáp sẽ làm gì đây? Việt minh sẽ đánh ở đâu nữa đây? Xung quanh Võ Nguyên Giáp lúc này là Đông Nam Á đang bùng cháy, ngọn lửa chiến tranh tràn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam lan sang các nước Lào, Cam-pu-chia và đe dọa tới Thái Lan nhưng không gì có thể làm nao núng ý chí của vị Đại tướng đầy bản lĩnh bởi ông luôn tâm niệm: “Chúng tôi ở đây là vì ý nguyện của nhân dân và chúng tôi ko bao giờ nhường bước”.

7. Một ngày bên bác Văn

Thông tin xuất bản: NXB Dân trí, 2014

Mô tả: Tập ký, 211tr, khổ 13x20 cm

Tác giả: Cao Ngọc thắng

Giá bìa: 45.000đ

Nội dung: Người ta không chỉ ca ngợi vẻ đẹp huyền diệu của thiên nhiên kỳ vĩ mà còn ngợi ca vẻ đẹp tráng lệ của những con người hùng vĩ sánh ngang cùng sông núi đất trời.

Cuốn sách mang đến cho bạn đọc những mẩu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ký ức của một số nhân vật là bác sỹ, nhà văn hay người thân trong gia đình... như bác sĩ Kiều Xuân Cư nhờ chính sách cho tù chính trị của bác Giáp mà thực hiện được nguyện vọng học ngành y ấp ủ từ lâu, hay họa sĩ Đức Dụ được Đại tướng khuyến khích sáng tạo đã miệt mài tạo nên những tác phẩm cỡ lớn, tham gia các triển lãm và trở thành người họa sỹ vẽ đường Trường Sơn nhiều nhất. Chính con người và những thành quả cách mạng của Đại tướng đã truyền cảm hứng chiến đấu và sáng tạo cho tất cả các thành phần trong xã hội, từ niềm vui sáng tác về quê hương đất nước của các văn nghệ sĩ cho tới lòng dũng cảm kiên trung của một cán bộ liên lạc luôn giữ trong ngực mình mảnh giấy có đề 4 câu thơ của Đại tướng động viên tinh thần chiến sỹ Tây Bắc:

Sông Đà, sông Mã cuộn dòng

Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào

Con vàn cất cánh bay cao

Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường.

8. Mối tình đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin xuất bản: NXB Phụ nữ, 2014

Mô tả: 148tr, khổ 13x19 cm

Tác giả: Bích Thuận

Giá bìa: 37.000đ

Nội dung: Cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động tuy ngắn ngủi nhưng đằm thắm tình thương và trong ngần lý tưởng cách mạng của nữ chiến sĩ anh hùng Nguyễn Thị Quang Thái, em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Chị Thái trong ký ức của người thân, bạn bè, đồng chí là một phụ nữ xinh đẹp, rắn rỏi và thuần hậu. Năm 1930 bị thực dân Pháp bắt về ''tội'' tham gia lãnh đạo phong trào nữ sinh, trong nhà lao Thừa phủ, chị Quang Thái đã nổi tiếng với một bài thơ đầy khí phách:

            Mười sáu năm nay sống ở đời
            Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
            Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
            Thấy bạn cần lao dạ rối bời
            Quyết chí hy sinh thây kệ chết
            Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi
                                                                           Ngọn cờ vô sản bao giờ phất                                                                             
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.

Năm 1940 anh Giáp nhận được chỉ thị đi thoát ly, vì con gái đầu lòng còn quá nhỏ chị Thái chưa thể đi cùng chồng, họ lặng lẽ chia tay nhau bên Hồ Tây, gia đình bé nhỏ bị xáo động. Chị Thái ở nhà nuôi con rất khéo và vẫn nhiệt tình tham gia cách mạng, chị nhận nhiệm vụ làm đường dây liên lạc giữa Trung ương và Xứ ủy trong lúc quân thù khủng bố gắt gao.

Năm 1942 Nguyễn Thị Quang Thái bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và giam tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Chị Thái có trình độ văn hóa cao, nói tiếng Pháp rất giỏi, bọn giám ngục rất phục chị mà không dám nói điều gì lỗ mãng. Trong tù chị Thái hết lòng chăm sóc, ân cần động viên chị em đồng chí kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, chống đàn áp, chống chế độ tra tấn. Năm 1944 vốn bị bệnh đau tim lại sống quá lâu dưới chế độ khắc nghiệt của nhà tù đế quốc chị Thái mắc thương hàn và qua đời để lại một tấm gương kiên trung bất khuất cho toàn Đảng học tập. 

9. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Giá trị Việt Nam

Thông tin xuất bản: NXB Văn học, 2014

Mô tả: 340tr, khổ 16x24 cm

Tác giả: Dũng Quyết, Lam Giang tuyển chọn

Giá bìa: 119.000đ

Nội dung: Những mẩu chuyện, hồi ức và bài viết trong cuốn sách này khiến người đọc xúc động sâu sắc trước một nhân cách vĩ đại, ông là huyền thoại ngay giữa thế kỷ của chúng ta - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một hình tượng có thật và lý tưởng để thế giới định vị những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam giữa hàng nghìn dân tộc khác nhau. Những giá trị đó chính là tinh thần yêu nước, anh hùng vị nghĩa, cần cù, hiếu học, biết tiếp thu, biết sáng tạo, lạc quan và trọng đạo lý,… Cuốn sách có 5 phần như sau:

Phần I: Tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phần II: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tình cảm, hồi ức của những người thân.

Cuộc sống đời thường của Đại tướng được tái hiện sinh động qua những chia sẻ của vợ và các con, con dâu, cháu họ, cháu ruột, bác sỹ riêng, người trợ lý, em vợ, bạn của vợ, người đồng đội và cũng là người anh em cột chèo của ông – Trung tướng Phạm Hồng Cư,… ta cảm nhận được tất cả những người sống quanh Đại tướng như đều quây quần lại thành một đại gia đình tri thức lớn, giàu tình cảm và truyền thống anh hùng cách mạng. Tuy là một người say mê công việc, ngoài trận tiền lại thể hiện rõ là một vị tướng cứng rắn kiên định nhưng khi về nhà Đại tướng rất trìu mến dịu dàng, ông trân trọng từng phút giây bình dị an yên bên những người thân yêu của mình.

Phần III: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong niềm tiếc thương của cả dân tộc

Cây đại thụ cuối cùng của thời đại Hồ Chí Minh ngã xuống để lại một khoảng trống rất lớn trong trái tim mỗi người dân đất Việt, có người cho rằng:“Bốn trong mười phần nước mắt đã chảy ra, chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung”. Ngày mà Đại tướng rời xa trần thế cũng là ngày siêu bão Wuitp vừa càn quét qua các tỉnh Bắc Trung Bộ, tâm bão là tỉnh Quảng Bình quê hương của Đại tướng, có cụ già nghe tin Đại tướng mất đã lập bàn thờ ông bằng tấm ván duy nhất còn lành lặn sau khi ngôi nhà đã đổ nát tan hoang. Lúc sinh thời Đại tướng rất quan tâm, lo lắng về những người nông dân nơi miền quê khắc nghiệt ấy hàng năm vẫn gánh chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai bão lũ, vì vậy ông vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên không trực tiếp thì gián tiếp qua các lãnh đạo tỉnh và trích lương của mình giúp đồng bào khắc phục khó khăn, người dân Quảng Bình mỗi khi nhớ về Đại tướng lại thấy thêm vững lòng.

 Phần IV: Những vần thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vệt nắng thu vàng tiễn Người đi...
Thầm thì gió hỏi vấn vương gì?
                                                                       Mỉm cười với gió, Người khẽ đáp:                                                                                                                                               Cuộc đời vì nước, vấn vương chi...                                                                       

Phần V: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tình cảm của nhân dân thế giới

Phần VI: Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

10. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của trí thức và văn nghệ sĩ

Thông tin xuất bản: NXB Thanh niên, 2011

Mô tả: 251tr, khổ 13,5x20,5 cm

Tác giả: Nguyễn Thái Anh (tuyển chọn)

Giá bìa: 48.000đ

Nội dung: Cuốn sách gồm 33 bài viết kể về những kỉ niệm của các trí thức và văn nghệ sĩ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những kỷ niệm sâu lắng và xúc động ấy được anh em trân trọng lưu giữ như bảo vật của đời mình. Một buổi được ngồi chuyện trò với Đại tướng hay cùng ông đi giao tế hoặc thăm lại quê hương, chiến trường xưa đều khiến tâm trí ta mở mang và nhẹ nhõm. Cuộc đời của con người từng trải ấy có khi dài bằng mấy lần người bình thường, bởi những nơi ông đã qua, những người ông đã gặp, những việc ông đã trải… đầy ắp như một thiên tiểu thuyết đồ sộ. Vị tướng già bâng khuâng nhớ về những mùa xuân biên giới hoa rừng thơm ngát trong niềm vui thắng trận, nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng vào sinh ra tử với cách mạng. Ngày ấy dõi theo ông không chỉ có gia đình thân yêu mà còn có người bạn lớn Nguyễn Ái Quốc chẳng những thấu hiểu, dìu dắt mà còn tuyệt đối tin tưởng vào bản lĩnh cầm quân của ông, Đại tướng khẳng định: “Chính Bác Hồ đã chọn con đường binh nghiệp cho tôi”.

Là một người văn võ song toàn – Vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam còn là một nhà văn hóa lớn, ông am hiểu sâu sắc văn học nghệ thuật trong nước, nước ngoài và đã xuất bản nhiều tập hồi ký có giá trị, ông cũng thích hội họa, nhiếp ảnh và còn biết chơi piano thành thục. Dẫu bận trăm công nghìn việc Đại tướng vẫn để tâm đến công việc của từng trí thức, dù chỉ là bảo vệ để được xuất bản cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng. Khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm từ tâm thái Đại tướng toát ra một chất thiền thật khoan thai và bền bỉ như đóa bạch trà trước cửa nhà ông - đẹp tinh khôi đến nao lòng, con người ấy đã cả một đời “vi nhân giả (vì nhân dân phục vụ) nay bách niên tóc bạc lòng thanh thản.

11. 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin xuất bản: NXB Hà Nội, 2001

Mô tả: Sách ảnh màu, Song ngữ Việt – Anh, 120tr, khổ 25x25 cm

Tác giả: Trần Tuấn

Nội dung: Đây chỉ là một trong nhiều tập sách ảnh công phu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn ghi lại những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng Võ nguyên Giáp giúp bạn đọc phương xa và các thế hệ gần gũi hơn với bậc vĩ nhân mang cốt cách bình dị ấy. Hình ảnh và gương mặt của Đại tướng luôn chất chứa nét cười tươi tắn, đôn hậu, bình dị, thân thương khi ở bên gia đình, người thân, đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Có lúc, hình ảnh của Đại tướng toát lên vẻ hiền triết, cương nghị, đầy bản lĩnh của vị tổng chỉ huy tài ba.Từ năm 1976 tác giả đã có 35 năm cầm máy ảnh theo chân Đại tướng đi nhiều nơi, ông tâm sự: “Tôi chụp ảnh Đại tướng với tình cảm của một người con đối với người cha kính yêu”. Đại tướng thương Trần Tuấn chụp hình vất vả, chuyến đi nào cũng phải chụp một bức ảnh kỷ niệm với anh hoặc là nhiều khi tự mình chụp ảnh cho Trần Tuấn, những quan tâm nho nhỏ mà Đại tướng dành cho anh sẽ mãi là những kỷ niệm ngọt ngào khắc sâu trong trái tim người nghệ sĩ.

Thu Hương