19/08/2021

Giới thiệu sách về Mùa thu lịch sử ngày 19/8/1945

                        

    Tiết thu tháng tám đất trời bâng khuâng, sông núi Tổ quốc cũng rạo rực một hoài niệm rực rỡ về những giờ phút thiêng liêng cách đây 76 năm vào một ngày cờ đỏ rợp trời. Đó là ngày 19 tháng tám năm 1945 trong âm hưởng hào hùng của bài hát “Tiến quân ca” đoàn người hàng chục vạn dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận với mã tấu, gươm, kiếm, gậy gộc từ khắp mọi ngả đường cuồn cuộn đổ về Quảng trường Nhà hát Lớn tiến hành một cuộc mít tinh rầm rộ chưa từng có của quần chúng cách mạng dưới sự bảo vệ của các đoàn thể cứu quốc, khí thế đấu tranh như vũ bão khiến chính quyền bù nhìn không thể chống cự, quân Nhật không dám can thiệp. Trong chưa đầy 1 ngày cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của quân và dân Hà Nội đã nhanh chóng giành thắng lợi mà không phải đổ máu. Sau ngọn cờ đầu Thủ đô các cuộc tổng khởi nghĩa ở khắp các tỉnh thành trong cả nước liên tiếp nổ ra chỉ trong vòng 10 ngày đều giành thắng lợi hoàn toàn, dân tộc Việt Nam một lần nữa được hồi sinh. Ngày 25/8/1945 Vua Bảo Đại thoái vị đồng thời tuyên bố “muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị.” Từ đây hơn 1.000 năm chế độ quân chủ phong kiến và 61 năm Pháp thuộc (1884-1945) chính thức kết thúc tại Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền hoạt động công khai. Những kiếp người nô lệ đã không còn trên quê hương này. Như muôn vàn cánh chim bấy lâu bị kìm hãm trong chiếc lồng tăm tối, nhân dân cần lao giờ đây nô nức mê say trong niềm vui giải phóng:

Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác…

          Chiến công vang dội ấy không chỉ đến từ việc biết chớp đúng thời cơ lịch sử mà còn đến từ sự chuẩn bị kiên trì suốt 15 năm gian khổ của ban lãnh đạo Việt Minh “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập”. Bởi khi đó chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim không hề muốn trao lại chính quyền cho Việt Minh, thực lực và tinh thần chiến đấu của quân Nhật cũng còn rất cao. Như vậy nhân tố quyết định thành công của cách mạng nằm trong tay tổ chức Việt Minh mà lực lượng nòng cốt là các đảng viên đã xây dựng được căn cứ vững chắc trong lòng dân, được nhân dân nhất tề ủng hộ. Từ đó gây dựng được các lực lượng vũ trang trong quần chúng nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào Cách mạng như đội Tự vệ Đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Hộ lương diệt ác,… với nhiệm vụ chính là trấn áp các tổ chức phản cách mạng, diệt trừ Việt gian và tội phạm, đây chính là những tổ chức tiền thân của lực lượng công an. Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn non trẻ càng khó hơn gấp bội, sau mốc son lịch sử chói lọi của Cuộc Tổng khởi nghĩa mang tầm vóc thời đại ấy, với ý nghĩa tôn vinh và quyết tâm phát huy những thành quả từ buổi đầu khai lập chính quyền của lực lượng an ninh quốc gia, ngày 19 tháng tám hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam và được quy định là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

          Nhân dịp kỷ niệm ngày vui của dân tộc, Thư viện tỉnh Thái Bình trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số cuốn sách hay và bổ ích về những năm tháng hào hùng ấy. Đầu tiên là cuốn Hà Nội tháng tám của tác giả Nguyễn Quyết, một trong ba thanh niên (cùng Nguyễn Khang, Trần Tử Bình) chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Thủ đô khi ông mới 23 tuổi! Cuốn hồi ký nhỏ là một tư liệu lịch sử quý giá giúp bạn đọc phần nào hình dung được bầu không khí sôi nổi dồn dập trong những ngày toàn Đảng toàn dân ta “sửa soạn” kỹ lưỡng cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Bắt đầu từ công tác cảm tình đảng, tuyên truyền vận động, diễn thuyết ở chợ, ở trường học, rạp xi nê,… rồi rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu, treo cờ, tổ chức mít tinh quần chúng ở những nơi đông người… Nhờ đó chiêu bài lôi kéo thanh niên học sinh về khối Đại Đông Á máu đỏ da vàng của quân Nhật thất bại. Âm mưu đầu độc thanh niên ta của thực dân Pháp bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền triết lý duy tâm yếm thế, cho mở nhiều tiệm hát, sòng bạc, gái nhảy… hay các nhóm hoạt động thể dục thể thao cũng phản tác dụng. Có những gia đình quan lại phong kiến, gia đình thợ thuyền được giác ngộ đã cưu mang, che chở, bảo vệ cán bộ. Nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trên trong xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến say mê lý tưởng cách mạng đã dấn thân hoạt động sôi nổi.

          Để phục vụ Thế chiến thứ II trên các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương và vùng Đông Á, Đông Nam Á (1941-1945) đế quốc Pháp, Nhật ra sức vơ vét kinh tế thuộc địa một cách dã man đẩy dân ta vào nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu, chỉ trong vòng nửa năm có đến 2 triệu người dân Việt Nam phải chết đói, gấp 20 lần số người chết trong hai vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Đó là cơn ác mộng lịch sử mà những người trẻ hôm nay ít ai có thể tưởng tượng nổi. Cuộc sống bị dồn đến đường cùng chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy phong trào đấu tranh trong các tầng lớp nhân dân nổi lên cuồn cuộn như sóng trào dâng. Đầu năm 1944 dưới tác động của Thành ủy Hà Nội giới công nhân bắt đầu hoạt động đấu tranh với việc đưa đơn yêu cầu tăng lương, mua gạo theo giá rẻ, bọn chủ buộc phải nhượng bộ vì sợ anh em đình công. Tháng 3/1945 các đội tự vệ cũng hăng hái bảo vệ cho người dân phá các kho thóc Nhật để cứu đói, vực lại tinh lực của đồng bào, nâng cao khối đại đoàn kết dân tộc đồng thời tập dượt cho quần chúng dần dần phát triển thành đội quân chính trị quần chúng mạnh mẽ có lực lượng vũ trang làm nòng cốt tạo sức mạnh vật chất cho cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945 thắng lợi.

Trích hồi ký Hà Nội Tháng tám

      Để tái hiện lại bối cảnh mảnh đất kinh kỳ khi ấy, bạn có thể tìm đọc cuốn Nắng kinh thành của tác giả Siêu Hải – một dũng tướng thích viết văn. Cuốn tiểu thuyết của ông như một thước phim sinh động thấm đẫm đặc trưng văn hóa của vùng đất Thăng Long – Kẻ Chợ với bao tích xưa truyện cũ ẩn trong vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại của 36 phố phường cùng khí chất hào hoa phong nhã của con người Hà thành. Nổi bật trong tác phẩm là niềm tự tôn dân tộc và tinh thần thượng võ trên mảnh đất ngàn năm văn vật của những sĩ phu, tri thức và người dân yêu nước trong thời kỳ Pháp-Nhật đô hộ, đi theo tiếng gọi của cách mạng, họ quyết bảo vệ đến cùng di sản mà cha ông để lại, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì đất thiêng Tổ quốc.

Trích tiểu thuyết lịch sử Nắng Kinh thành

          Muốn nghe kể những câu chuyện bình dị mà thú vị về người thật việc thật trong những tháng năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc, mời các bạn tìm đọc tập truyện công an có tựa đề Nơi ấy niềm tin. Ra đời trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những cán bộ chiến sĩ của lực lượng An ninh chính là những quả đấm thép quyết không khoan nhượng với bè lũ tay sai, khủng bố nhưng với người dân lại nhẹ nhàng, chân thành chỉ ra cái sai của những kẻ còn tư duy bất hảo, hủ lậu, từ từ giác ngộ để họ hăng hái làm ăn, lao động nhờ đó ổn định sản xuất, giữ vững an ninh trên địa bàn. Với nhiệt huyết mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm cao cả những người chiến sỹ ấy sẵn sàng đặt sang một bên những mất mát riêng tư, một lòng đi theo Đảng, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trích tập truyện Nơi ấy niềm tin

          Song hành với cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, những điển hình về chiến đấu và sản xuất ở Thái Bình cũng vô cùng sôi nổi. Vốn là một mảnh đất thuần nông, Thái Bình là tỉnh hứng chịu khốc liệt nhất chính sách nhổ lúa trồng đay của phát xít Nhật. Nạn đói năm Ất Dậu khiến vùng đất được coi là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ trở thành tâm điểm của thảm họa năm ấy:

Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,

Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.

Rải bên đường những nấm mộ âm thầm

Được đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt.

           Vậy nhưng khi tìm hiểu cuốn Lịch sử Công an nhân dân Thái Bình (1945-1954) bạn đọc không những sẽ khái quát được diễn biến và vai trò của miền quê lúa Thái Bình trong Cuộc Đại Cách mạng của dân tộc mà còn hiểu được tinh thần chiến đấu vô cùng bất khuất của con người nơi đây, từ năm 1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã xác định: “Ở Bắc Kỳ thì phong trào khá nhất là ở Thái Bình.” Ngày 18/8/1945 mặc dù chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương tập trung lực lượng cách mạng tại các địa phương tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền với chiến thắng đầu tiên vào buổi chiều cùng ngày tại huyện Thái Ninh, ngay trong đêm đó nhân dân toàn tỉnh cũng tưng bừng khí thế chuẩn bị cho cuộc mít tinh giành chính quyền. Sớm ngày 19/8/1945 đoàn tuần hành hàng vạn người bao gồm cả nhi đồng phụ lão từ khắp các huyện lỵ đã tập trung trước cửa phố Vọng Cung của thị xã đòi xóa bỏ chế độ cũ. Khi quân Nhật yêu cầu người nào là Việt Minh đứng riêng ra thì không những đoàn viên cứu quốc, đội tự vệ chiến đấu bước lên phía trước mà đông đảo quần chúng cũng đồng thời bước lên, tạo thành một lực lượng Việt Minh đông đảo, kẻ địch không phân biệt được ai là quần chúng ai là Việt Minh. Chính điều này đã tạo khí thế áp đảo của cách mạng, buộc quân Nhật và tỉnh trưởng phải chấp nhận yêu cầu của ta: để cho lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, quần chúng chào cờ, đồng chí lãnh đạo cuộc mít tinh tuyên bố chính quyền thuộc về tay nhân dân.

          Thời khắc lịch sử đại thắng từ lòng dân ấy những người cao tuổi đã trải qua thì mãi mãi không thể nào quên, thế hệ trẻ hôm nay khi hiểu được những thông điệp từ quá khứ cũng thêm yêu Tổ quốc non sông, biết trân trọng hơn nền hòa bình và tự hào nhìn về phía trước.

Trích cuốn Lịch sử Công an nhân dân Thái Bình (1945-1954)

(*) Thông tin xuất bản:

1. Hà Nội tháng tám

Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân, 1980

Mô tả: Hồi ký, 187tr, khổ 13x19 cm

Tác giả: Trung tướng Nguyễn Quyết - Mai Vui ghi

Giá bìa: 1đ30

2. Nắng kinh thành

Nhà xuất bản: Thanh niên, 1997

Mô tả: Tiểu thuyết lịch sử, 419tr, khổ 13x19 cm

Tác giả: Siêu Hải

Giá bìa: 31.500 (in trong sách)

3. Nơi ấy niềm tin

Nhà xuất bản: Lao động, 1975

Mô tả: Tập truyện công an, 162tr, khổ 13x19 cm

Giá bìa: 0đ,70

4. Lịch sử Công an nhân dân Thái Bình (1945-1954)

Chỉ đạo thực hiện: Ban Thường vụ Đảng ủy và Lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, 2000

Mô tả: 243tr, khổ 13x19 cm

Chỉ đạo biên soạn và chịu trách nhiệm nội dung: Trung tá Vũ Văn Phong; Chánh Văn phòng Công an tỉnh

Thu Hương